Sáng ngày 9/9/2024, trận lũ lớn trên sông Hồng đã làm sập cây cầu gần 30 năm tuổi Phong Châu. Nhiều chuyên gia đã nhận định nguyên nhân là do tổ hợp của các yếu tố bất lợi {lũ lớn, khai thác cát, kết cấu yếu...}. Ở đây, tôi không dám lạm bàn quá sâu về chuyên môn cầu đường hay kết cấu khác, chỉ đưa ra góc nhìn từ thủy lực. Hi vọng góp phần vào nguyên nhân toàn cảnh của vấn đề.
Cầu Phong Châu được xây dựng tại đoạn sông cong. Điều này về cơ bản là bất lợi về thủy lực. Dòng sông vốn biến động không ngừng theo thời gian và không gian, tuy nhiên đoạn cong thường biến động nhiều hơn, do tính phức tạp về dòng chảy của nó.
Hình ảnh phân tích từ qua ảnh vệ tinh Sentinel 2 trong 10 gần đây cho thấy sự biến động đó.
Bây giờ hãy xem xét kỹ hơn về dòng chảy đến cầu Phong Châu qua sự so sánh biến động địa hình năm 2017 và 2022. Hình ảnh này dễ dàng lấy được từ Google earth.
Năm 2017, một bãi cát lớn nằm ở bờ trái (khoanh màu đỏ - ảnh trái). Đo sơ bộ trên Google earth, bãi cát này rộng khoảng 34ha. Bãi cát này làm cho dòng chính (dân thủy lực gọi là dòng chủ lưu) đi ép sang bờ phải, sau đó bẻ cong và đi khá vuông góc với cầu Phong Châu (đường cong mũi tên màu xanh blue hình trái).
Năm 2022, bằng một cách nào đó, bãi cát đó đã biến mất hoàn toàn. Điều này đã làm thay đổi hướng của dòng chủ lưu. Dòng chủ lưu đã chuyển sang bờ trái, sau đó gặp đoạn sông cong và bẻ sang bờ phải.
Ở đây chúng ta thấy xuất hiện 3 câu chuyện:
- Dòng chủ lưu thay đổi và tạo thành 2 bãi bồi (khoanh màu vàng ở hình phải). Lý do tạo thành 2 bãi bồi là bởi khu vực dòng quẩn, có tốc độ dòng chảy nhỏ, và bùn cát lắng xuống.
- Bãi bồi xuất hiện ngay chân cầu bên phía Lâm Thao làm cho mặt cắt ngang đoạn sông vốn đã hẹp, lại còn bị hẹp hơn. Do đó, tốc độ dòng chảy (còn gọi là lưu tốc) qua đoạn mặt cắt cầu tăng lên. Gây bất lợi hơn cho cầu.
- Khai thác bãi bờ trái (khoanh đỏ) và thành tạo 2 bãi bồi (khoanh vàng) đã đẩy cầu Phong Châu vào vị trí gần hơn với đỉnh cong của đoạn sông cong. Điều đó làm cho dòng chủ lưu thúc trực tiếp vào bờ phải của cầu.
0 Nhận xét